Cách build PC gaming cho người mới bắt đầu [CẬP NHẬT 2025]

16-06-2025

Tự build PC gaming không còn là việc quá phức tạp - kể cả với người mới bắt đầu. Chỉ cần hiểu đúng về linh kiện, nắm rõ nhu cầu và làm theo hướng dẫn, bạn hoàn toàn có thể tự tay lắp ráp một bộ máy chơi game mượt mà, đẹp mắt và tối ưu ngân sách.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết từng bước về cách build PC gaming cho người mới: từ chọn cấu hình phù hợp, hiểu rõ phần cứng đến lắp ráp và cài đặt hoàn chỉnh. Nếu bạn đang tìm một chiếc máy "chuẩn game thủ" nhưng muốn kiểm soát chi phí và hiệu năng tối đa - hãy bắt đầu từ đây!

Cách Build PC - cần những gì?

1. Vì sao nên tự build PC Gaming? Có dễ dàng cho người mới bắt đầu không?

Không chỉ là xu hướng trong giới công nghệ, tự build PC gaming ngày càng trở thành lựa chọn hợp lý cho cả người mới bắt đầu. Thay vì mua một chiếc máy đồng bộ có cấu hình đóng sẵn, bạn hoàn toàn có thể tự xây dựng hệ thống phù hợp với tựa game bạn yêu thích, ngân sách đang có, và thậm chí còn dễ nâng cấp về sau.

Việc tự build PC giúp bạn:

  • Chủ động lựa chọn linh kiện theo đúng nhu cầu (chơi game nhẹ, game online, AAA nặng,...).
  • Tiết kiệm chi phí đáng kể, vì bạn tránh được chi phí "thương hiệu" và chỉ đầu tư vào thứ thực sự cần thiết.
  • Trải nghiệm cá nhân hóa cao hơn: từ thiết kế case, đèn LED RGB, đến khả năng nâng cấp về sau.
  • Tự học kiến thức phần cứng máy tính, điều này cực kỳ hữu ích nếu bạn muốn theo đuổi công nghệ hoặc IT.

Dù bạn là người mới, đừng lo! Chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn từng bước, bạn hoàn toàn có thể sở hữu một bộ PC mạnh mẽ, ổn định và phù hợp nhất với chính mình.

2. Cách xác định ngân sách và mục đích sử dụng khi tự build PC

Trước khi bắt tay vào chọn linh kiện, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định rõ nhu cầu sử dụng và ngân sách hiện có. Điều này giúp bạn tránh tình trạng "thừa cấu hình nhưng thiếu hiệu năng" hoặc lãng phí tiền vào những linh kiện không cần thiết. Dưới đây là một số mẹo bạn đọc có thể áp dụng để đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu:

  • Nếu bạn muốn build pc để chơi game: Bạn nên ưu tiên CPU xung cao, VGA mạnh, và RAM từ 16GB trở lên. Tuy nhiên, đừng chỉ nhìn vào cấu hình "vừa đủ" để chơi một vài tựa game hiện tại như CS:GO, LOL hay GTA V. Game ngày càng nặng, đồ họa càng đẹp, nên nếu build cấu hình "sát sườn", bạn sẽ sớm phải nâng cấp. Hãy đầu tư "dư một chút", đảm bảo máy đủ sức chiến các tựa game mới trong 2-3 năm tới.
  • Nếu bạn muốn build pc để học đồ họa, thiết kế, render video: Bạn cần một CPU nhiều nhân/luồng, RAM từ 32GB, card đồ họa mạnh (NVIDIA RTX hoặc AMD RX) và SSD tốc độ cao. Các phần mềm như Adobe Premiere, Blender hay AutoCAD đều ăn tài nguyên khủng, nên càng tối ưu thì càng tiết kiệm thời gian làm việc.
  • Nếu bạn muốn build pc để lập trình, IT: Bạn nên ưu tiên CPU đa nhân, RAM 16-32GB, SSD dung lượng lớn, và màn hình tốt cho việc code hoặc test nhiều môi trường cùng lúc. Nếu làm AI hoặc deep learning, VGA có VRAM cao (8GB trở lên) là cực kỳ cần thiết.
  • Bạn cũng có thể cân nhắc đưa ra lựa chọn build đồ họa theo ngân sách hiện có, ví dụ như tham khảo cách build PC 10 triệu, build PC 15 triệu hoặc build PC 20 triệu.

3. Kinh nghiệm chọn linh kiện build PC gaming chi tiết cho người mới

Chọn linh kiện phù hợp là bước quan trọng nhất khi bạn tự build PC chơi game. Điều này giúp tối ưu hiệu năng, tiết kiệm ngân sách và đảm bảo dàn máy phù hợp với nhu cầu chơi game của bạn. Phần này sẽ hướng dẫn chi tiết cách lựa chọn từng linh kiện chuẩn gaming, giúp bạn tránh lỗi bottleneck, dư cấu hình hoặc thiếu tương thích.

3.1. Cách chọn Mainboard và CPU phù hợp để chơi game mượt

Sự tương thích giữa Mainboard và CPU là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định máy tính của bạn hoạt động ổn định và hiệu quả. Mainboard có nhiệm vụ kết nối các linh kiện với nhau, trong đó CPU là bộ não điều khiển mọi hoạt động của máy tính. Nếu hai linh kiện này không tương thích, bạn sẽ không thể lắp ráp hoặc máy chạy không ổn định.

Hiện nay, CPU của Intel và AMD sử dụng các loại socket khác nhau. Ví dụ:

  • Intel: phổ biến với socket LGA 1700 (thế hệ 12-14) và LGA 1200 (thế hệ 10-11).
  • AMD: dùng socket AM4 cho các dòng Ryzen 1000-5000, và AM5 cho Ryzen 7000 trở đi.

Với PC gaming, bạn nên ưu tiên CPU có ít nhất 6 nhân/12 luồng, xung nhịp từ 3.5GHz trở lên, và nếu có nhu cầu ép xung (overclock) thì hãy chọn các dòng có hậu tố:

  • Intel: K, KF (Core i5-13600K, i7-13700KF,...)
  • AMD: X, X3D (Ryzen 5 7600X, Ryzen 7 7800X3D)

Mainboard cũng cần tương ứng với khả năng ép xung của CPU:

  • Intel: chipset Z690, Z790 hỗ trợ OC; B660, B760 phù hợp với CPU không OC.
  • AMD: chipset B550, X570, X670 là lựa chọn phổ biến khi build PC gaming.

Ngoài socket, bạn cũng nên kiểm tra:

  • Số khe RAM (để nâng cấp về sau),
  • Hỗ trợ PCIe 4.0/5.0 cho GPU đời mới,
  • Khe M.2 NVMe cho SSD tốc độ cao.

Gợi ý cho người mới: Với ngân sách vừa phải, combo Intel Core i5-12400F + B660M hoặc Ryzen 5 5600 + B550M là lựa chọn vừa gaming tốt, vừa tiết kiệm.

Bạn có thể mua các linh kiện bo mạch chủ, chip vi xử lý và bộ nhớ flash của Intel

3.2. Chọn RAM bao nhiêu GB là đủ để chơi game?

RAM (bộ nhớ trong) là linh kiện quyết định khả năng đa nhiệm và độ mượt khi chạy game, đặc biệt với các tựa game nặng hoặc khi bạn vừa chơi vừa bật Discord, stream, hoặc trình duyệt. Với PC gaming hiện nay (2025), 16GB RAM (2 thanh 8GB dual channel) là mức tối thiểu bạn nên trang bị. Đây là tiêu chuẩn phù hợp với hầu hết các game phổ biến hiện nay như Valorant, PUBG, GTA V, Elden Ring,… mà không lo thiếu bộ nhớ tạm.

Nếu bạn một số ý định khác như livestream, chạy nhiều tab trình duyệt; chỉnh sửa video, chơi game và chạy OBS, Discord cùng lúc, hoặc đơn giản là muốn "dư giả để khỏi nâng cấp sớm" thì 32GB RAM (2 × 16GB) sẽ mang lại trải nghiệm mượt hơn đáng kể.

Ngoài dung lượng, bạn nên quan tâm thêm:

  • Loại RAM: DDR4 vẫn là lựa chọn phổ biến, hiệu năng ổn, giá mềm. DDR5 nhanh hơn, dành cho CPU đời mới như Intel Gen 13/14 hoặc Ryzen 7000, nhưng giá cao hơn.
  • Bus RAM (MHz): DDR4 nên từ 3200-3600 MHz. DDR5 nên từ 5600 MHz trở lên. Hãy bật XMP/EXPO trong BIOS để RAM chạy đúng tốc độ thiết kế.
  • Số khe & khả năng nâng cấp: Nên chọn mainboard có ít nhất 2-4 khe RAM để dễ nâng cấp sau. Ưu tiên dùng dual channel (cắm 2 thanh) để tăng băng thông bộ nhớ.
  • Thương hiệu nên chọn: Corsair, G.Skill, Kingston, TeamGroup, ADATA - bảo hành dài, độ ổn định cao.

Mẹo nhỏ: Nếu ngân sách hạn chế, bạn có thể bắt đầu với 1 thanh 16GB và nâng lên dual channel sau - nhưng lưu ý sẽ mất băng thông so với lắp 2 thanh ngay từ đầu.

Chọn RAM của thương hiệu uy tín như G Skill

3.3. SSD hay HDD - đâu là lựa chọn tốt nhất cho PC gaming

Khi build PC chơi game, tốc độ lưu trữ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm: từ thời gian khởi động máy, load map, chuyển cảnh cho đến tốc độ cài game. Vì vậy, ổ SSD gần như là linh kiện "bắt buộc" trong mọi cấu hình gaming hiện nay.

Khi chọn ổ cứng, SSD chuẩn NVMe M.2 nên là ưu tiên hàng đầu. Dung lượng tối thiểu được khuyến nghị là 500GB, nhưng lý tưởng nhất vẫn là 1TB, vì nhiều tựa game hiện đại như GTA V, Cyberpunk 2077, hay Call of Duty có dung lượng rất lớn, lên đến hàng trăm GB. SSD NVMe có tốc độ đọc ghi cực cao, giúp giảm đáng kể thời gian load bản đồ, khởi động máy và cải thiện đáng kể hiệu suất khi chơi game AAA.

Tuy nhiên, HDD vẫn có giá trị sử dụng nhất định, nhất là với những ai có nhu cầu lưu trữ phim, nhạc, dữ liệu cá nhân hoặc các game ít chơi. Nhiều game thủ vẫn chọn giải pháp kết hợp: dùng SSD để cài Windows và game thường chơi, còn HDD dung lượng lớn (1-2TB) để lưu trữ lâu dài. Bạn cũng nên kiểm tra số lượng khe M.2 hỗ trợ trên mainboard để lắp SSD phù hợp. Trong mọi trường hợp, không nên build PC gaming chỉ với HDD vì tốc độ truy xuất chậm của nó sẽ khiến toàn bộ hệ thống bị "kìm hãm", dẫn đến trải nghiệm giật lag không đáng có.

Một lưu ý quan trọng khác là nên chọn các thương hiệu SSD uy tín như Samsung, Crucial, Kingston hoặc Western Digital để đảm bảo độ bền và hiệu năng ổn định lâu dài.

Ổ cứng SSD của Samsung

3.4. Chọn Card đồ họa (GPU) phù hợp

Card đồ họa (GPU) là linh kiện quan trọng nhất trong một bộ PC chơi game. Đây là yếu tố quyết định đến chất lượng hình ảnh, tốc độ khung hình (FPS) và khả năng xử lý đồ họa nặng. Với người mới bắt đầu, việc chọn VGA phù hợp không nhất thiết phải theo nguyên tắc "càng đắt càng tốt", mà quan trọng là tương xứng với độ phân giải màn hình, tựa game đang chơi và ngân sách hiện có.

Đối với các game eSports phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại, Valorant, CS:GO, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các dòng GPU phổ thông như GTX 1650, GTX 1660 Super hoặc RX 6500 XT để chiến game ở mức thiết lập cao với độ phân giải Full HD (1080p). Tuy nhiên, nếu bạn muốn chơi các tựa game AAA nặng hơn như Cyberpunk 2077, Red Dead Redemption 2 hoặc GTA V ở mức thiết lập đẹp và mượt, thì nên đầu tư vào các dòng GPU cao hơn như RTX 3060, RTX 4060 hoặc RX 6700 XT trở lên.

Ngoài dung lượng VRAM (tối thiểu 6GB cho gaming năm 2025), bạn nên ưu tiên các dòng GPU hỗ trợ công nghệ đồ họa hiện đại như Ray Tracing, DLSS (NVIDIA) hoặc FSR (AMD). Những công nghệ này giúp cải thiện hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng trong game và tăng FPS đáng kể mà không giảm chất lượng hình ảnh.

Một lưu ý quan trọng là GPU cần phù hợp với nguồn máy tính (PSU) và case lắp đặt. Nhiều card đồ họa trung-cao cấp hiện nay có chiều dài lớn, yêu cầu nguồn ≥ 550W và cần case có không gian thoáng, hỗ trợ tối thiểu 2-3 quạt gió để đảm bảo luồng nhiệt không bị ngắt quãng.

Card đồ hoạ xịn của Nvidia

3.5. Chọn nguồn máy tính (PSU) và vỏ case (Case)

Khi build PC gaming, nguồn (PSU) và case thường là hai linh kiện bị xem nhẹ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định và tuổi thọ của toàn hệ thống. Một bộ máy mạnh nhưng nguồn yếu hoặc case bí sẽ dễ gặp hiện tượng quá nhiệt, treo máy hoặc sụt điện, đặc biệt là khi chơi game nặng trong thời gian dài.

Nguồn máy tính cần đảm bảo đủ công suất thực cho toàn bộ hệ thống, đặc biệt là CPU và GPU - hai thành phần tiêu thụ điện nhiều nhất. Với cấu hình dùng GTX 1650 hoặc RX 6500 XT, một PSU công suất từ 450W đến 550W là đủ. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng RTX 3060, RTX 4070 hoặc RX 7800 XT trở lên, thì nên chọn nguồn từ 650W đến 750W để đảm bảo dư tải. Ngoài công suất, bạn nên ưu tiên nguồn có chứng nhận 80 Plus Bronze trở lên, giúp tiết kiệm điện và hoạt động ổn định hơn. Các thương hiệu PSU uy tín bao gồm Corsair, Cooler Master, Seasonic, DeepCool,…

Về case, ngoài yếu tố thẩm mỹ, điều quan trọng là phải đảm bảo luồng gió thông thoáng và đủ không gian để lắp các linh kiện cồng kềnh như card đồ họa và tản nhiệt. Bạn nên chọn các mẫu mid-tower hoặc ATX case có hỗ trợ nhiều vị trí gắn quạt (tối thiểu 3 quạt), lưới thoáng mặt trước, hỗ trợ GPU dài (trên 300mm) và có khoang đi dây gọn gàng. Một số dòng case phổ thông mà người mới có thể tham khảo như: Cooler Master NR600, NZXT H5 Flow, Lian Li Lancool 215,...

Cuối cùng, nếu bạn định dùng tản nhiệt nước AIO hoặc lắp RGB nhiều, hãy kiểm tra xem case có hỗ trợ kích thước radiator phù hợp (240mm hoặc 360mm), đủ không gian trống và dây nguồn dễ đi không bị cấn.

Một bộ nguồn có công suất tốt sẽ thuận tiện cho việc nâng cấp các phần cứng của bạn sau này khi bạn muốn thay những linh kiện cũ thành các linh kiện mới mạnh hơn và công suất tốt hơn.

3.6. Tản nhiệt và phụ kiện đi kèm

Tản nhiệt là yếu tố không thể thiếu khi build PC gaming, đặc biệt nếu bạn dùng CPU đa nhân, VGA mạnh hoặc có ép xung. Với các cấu hình tầm trung, một tản khí dạng tower như DeepCool AK400 hay Thermalright Assassin Spirit là đủ để giữ nhiệt độ ổn định. Trong khi đó, nếu bạn sử dụng CPU cao cấp như i7-13700K hoặc Ryzen 7 7800X3D, nên cân nhắc tản nhiệt nước AIO 240mm trở lên để đảm bảo máy không bị quá nhiệt khi chơi game dài.

Về phụ kiện, bạn chỉ cần màn hình, chuột, bàn phím là có thể sử dụng được ngay. Tuy nhiên, nếu chơi game FPS hoặc stream, hãy ưu tiên màn hình 144Hztai nghe gaming để cải thiện trải nghiệm. Một bộ nguồn dự phòng (UPS) và lót chuột lớn cũng là lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn đầu tư nghiêm túc cho setup chơi game của mình.

4. Các bước lắp các linh kiện đúng quy trình và đúng cách

Build PC thực tế không quá khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, hiệu quả và hạn chế tối đa các lỗi phát sinh thường có, mọi người và đặc biệt là người mới tập build PC cần phải thực sự cẩn trọng và làm theo các hướng dẫn cụ thể. Để quá trình thực hiện được nhanh chóng, dễ dàng hơn, dưới đây là các bước thực hiện build PC cho người mới.

Bước 1: Bắt ốc đệm và lắp chặn main để đảm bảo các hệ thống bo mạch được đảm bảo quá trình hoạt động ổn định

Bắt ốc đệm và lắp chặn main

Bước 2: Gắn chip xử lý và bôi keo tản nhiệt nhằm phân tách bề mặt của chip xử lý trung tâm và bộ phận tản nhiệt

Gắn chip xử lý và bôi keo tản nhiệt

Bước 3: Lắp tản nhiệt cho chip xử lý sau khi đã bôi phần keo tản nhiệt đảm bảo bộ phận này không tiếp xúc trực tiếp với chip

Lắp tản nhiệt cho chip xử lý

Bước 4: Lắp bo mạch chủ vào thùng máy và bắt ốc sao cho không phát sinh hiện tượng mát máy do thừa ốc

Lắp bo mạch chủ

Bước 5: Nối các dây tín hiệu ngoại vi của thùng máy vào bo mạch chủ sao cho chính xác, đầy đủ. Người mới cần phải dựa vào những thông tin trong hướng dẫn để lắp chính xác các dây. Đặc biệt, bên cạnh các dây đơn thì hệ thống mạch chùm sẽ phải được nói một cách cẩn thận.

Nối các dây tín hiệu ngoại vi

Bước 6: Lắp đặt nguồn và đi dây trong khoang giấu dây một cách chính xác.

Lắp đặt nguồn

Bước 7: Cắm các dây cấp từ nguồn vào linh kiện sao cho nguồn điện cấp đầy đủ năng lượng giúp cho PC hoạt động ổn định.

cắm các dây cấp từ nguồn vào linh kiện

Bước 8: Bó gọn các đoạn dây còn thừa sao cho phần thùng PC được gọn gàng.

bó gọn các dây thừa

5. Kiến thức Build PC bạn cần lưu ý

Dù đã chọn đủ linh kiện và lắp ráp hoàn chỉnh, nhưng nếu thiếu những hiểu biết cơ bản về hệ thống và các tiêu chuẩn tương thích, bạn vẫn có thể gặp lỗi không đáng có. Dưới đây là những điểm quan trọng người mới cần ghi nhớ khi build PC nói chung, PC gaming nói riêng:

  • Kiểm tra tính tương thích của linh kiện trước khi mua: Trước khi quyết định mua bất kỳ linh kiện nào, bạn cần kiểm tra kỹ về socket CPU, chuẩn RAM, kích thước case, cổng kết nối và chipset mainboard. Việc này giúp đảm bảo các bộ phận sẽ hoạt động đồng bộ và tránh phát sinh lỗi khi lắp ráp.
  • Chú trọng bộ nguồn chất lượng để đảm bảo ổn định hệ thống: Bộ nguồn (PSU) chất lượng tốt không chỉ cung cấp điện ổn định mà còn giúp bảo vệ linh kiện tránh hỏng hóc do điện áp không ổn định. Nên chọn nguồn có chứng nhận 80 PLUS và từ các thương hiệu uy tín.
  • Lưu ý đến khả năng tản nhiệt và làm mát máy: Hệ thống tản nhiệt hiệu quả sẽ giữ nhiệt độ linh kiện luôn ở mức an toàn, giúp máy hoạt động ổn định và kéo dài tuổi thọ. Cần lựa chọn case thoáng khí, quạt hoặc tản nhiệt nước phù hợp với cấu hình.
  • Tránh mua linh kiện không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng: Linh kiện giả, nhái hoặc không rõ xuất xứ có thể gây hỏng hóc, làm giảm hiệu năng và thậm chí ảnh hưởng an toàn. Nên mua tại các cửa hàng, nhà phân phối chính hãng, có chế độ bảo hành rõ ràng.
  • Không nên tự lắp ráp nếu không có kiến thức hoặc kinh nghiệm: Việc ráp máy sai kỹ thuật có thể gây lỗi nghiêm trọng, không khởi động được hoặc làm hỏng linh kiện. Người mới nên học kỹ qua tài liệu, video hướng dẫn hoặc nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.

Build PC không chỉ là một quy trình kỹ thuật mà còn là nghệ thuật cá nhân hóa chiếc máy tính phù hợp nhất với nhu cầu và ngân sách của bạn. Việc trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm chọn linh kiện, lắp ráp đúng cách sẽ giúp bạn sở hữu hệ thống ổn định, bền bỉ và hiệu năng tối ưu. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách build PC gaming cho người mới.

Ngoài ra, nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, đừng ngần ngại liên hệ với đội ngũ chuyên gia tại Khoá Vàng để được tư vấn tận tình, hỗ trợ chọn linh kiện phù hợp và hướng dẫn build PC chính xác nhất. Chúc bạn thành công trên hành trình tự build chiếc PC mơ ước!

Bài viết liên quan

Build PC Nhỏ Gọn Mini-ITX 2025: Hướng Dẫn Chi Tiết & Cấu Hình
Hướng dẫn chi tiết cài đặt Fast Accounting trên máy trạm
Hướng Dẫn Cập Nhật Game Cho Máy Trạm GCafe (Từ Máy Chủ)
Chatbot Icon